I. Căn cứ pháp lý
Đây là Quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất Chỉ dẫn địa lý Mỹ Lung cho sản phẩm Nếp gà gáy của tỉnh Phú Thọ được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ ban hành với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
II. Phạm vi áp dụng
- Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến áp dụng cho 8 xã thuộc huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ gồm: (1) Mỹ Lung, (2) Mỹ Lương, (3) Lương Sơn, (4) Ngọc Lập, (5) Thượng Long, (6) Nga Hoàng, (7) Xuân An, (8) Xuân Viên.
- Quy trình này là khung kỹ thuật, các xã trong vùng sản xuất tuỳ điều kiện cụ thể của địa phương mình để canh tác lúa phù hợp.
- Nguồn gốc giống:
Nếp Gà Gáy Mỹ Lung có nguồn gốc từ nếp Tan, giống đã xuất hiện tại xã Mỹ Lung huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ từ trước những năm 1960. Hiện nay nếp Gà Gáy Mỹ Lung trở thành sản phẩm đặc sản của huyện Yên Lập, với đặc tính dễ trồng và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng cũng như phong tục tập quán của người dân trong huyện. Hiện nay, giống lúa được gieo trồng tại các xã: Mỹ Lung, Lương, Lương Sơn, Ngọc Lập, Xuân An, Thượng Long, Nga Hoàng, …. Đây là giống lúa nếp có chất lượng gạo thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất các giống lúa thông thường khác.
Nếp Gà Gáy có nét khác biệt so với nhiều giống nếp khác. Đó là loại gạo có truyền thống hàng trăm năm, được trồng thời gian dài, hạt gạo to, trắng. Thời gian đồ xôi ngắn. Xôi nếp thơm, dẻo, ăn không bị ngấy.
Nếp Gà gáy được trồng từ tháng 5 đến tháng 10. Thời gian sinh trưởng: từ 150 - 155 ngày (dài hơn các giống lúa khác 30 ngày). Cây lúa có chiều cao từ 164 - 167cm, hay đổ, lá dài 60 - 65cm, bản lá lúa rộng, màu xanh nhạt, cây lúa trưởng thành dưới phần gốc màu vàng; Chiều dài bông 22 - 24cm, đóng hạt thưa, dạng hạt bầu, hạt thóc màu vàng sáng. Khả năng đẻ nhánh: Tốt; Trọng lượng 1000 hạt: Đạt 25gam; Có khả năng cho năng suất từ 120 - 150kg/sào (trung bình đạt 33 - 36 tạ/ha), nếu áp dụng kỹ thuật canh tác tốt năng suất có thể đạt > 40 tạ/ha.
Là cây ưa ruộng trũng, không cần bón phân nhiều. Hạt nếp khi xát vỏ nhìn trắng và trong, hình dáng hạt nếp tròn đều, vẻ ngoài bóng mẩy. Người dân trong xã căn cứ vào màu sắc biến đổi của lá cây cỏ từ màu xanh chuyển màu đỏ ở trên rừng là lúc vào thời vụ gieo lúa hoặc khi cây sổ đang rụng lá thì được đem mạ nếp Gà gáy đi gieo. Đặc biệt, nếp Gà gáy chỉ ngon và đạt năng suất cao khi trồng ở đất pha cát, nước từ khe suối chảy ra. Nhờ thích hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý, Gạo Nếp gà gáy Mỹ Lung có mùi thơm đặc trưng, có đặc thù khác biệt với gạo nếp trồng tại các vùng khác.
Nếu như gạo nếp thông thường phải ngâm gạo qua mấy giờ, sau đó đồ trong 40 phút mới thành xôi thì gạo nếp Mỹ Lung có thể không cần ngâm gạo, đồ xôi chỉ 15 – 20 phút là chín, xôi nếp có vị đậm, thơm, dẻo, ăn không bị ngấy, xôi nắm không bị dính tay, càng nắm càng dẻo, cơm xôi để sau 12 tiếng không bị khô cơm. Nếu làm bánh trưng, thời gian luộc bánh chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ từ khi nước bắt đầu sôi.
Người Mường Mỹ Lung có cách cất giữ nếp Gà gáy rất độc đáo. Khi lúa được cắt về, họ không tuốt hay phơi ngay mà buộc túm thành từng chùm lớn rồi treo thành từng hàng lên gác nhà để cho lúa khô dần. Khi nào ăn mới lấy lúa xuống vò, xát để lấy gạo. Theo người Mường nơi đây, cách làm như vậy sẽ giữ được vị thơm ngon của nếp Gà gáy. Thóc giống nếp Gà gáy được bảo quản nửa năm trước khi vào vụ mới.
3.1. Thời vụ: Gieo mạ từ ngày 5 đến 15 tháng 5 dương lịch (tiết lập hạ).
3.2. Gieo và chăm sóc mạ:
- Ngâm ủ: Hạt giống phải khô, sạch, chắc mẩy, thuần, đúng giống, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn những hạt giống khác, không bị lẫn hạt cỏ và tạp chất, không có hạt lép và không bị dị dạng. Trước khi ngâm nên phơi dưới nắng nhẹ 4 - 6 giờ
+ Xử lí hạt giống: Có thể sử dụng một trong hai phương pháp sau:
+ Xử lí bằng nước nóng 540C ( pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh): Pha 2 phần nước lạnh với 3 phần nước sôi (2 lạnh 3 sôi), cứ 1thể tích thóc cần 3 - 5 thể tích nước, khuấy đều trong vòng 3 - 5 phút. Sau đó vớt thóc ra và tiến hành ngâm ủ bình thường.
+ Xử lí bằng nước vôi: Dùng 200 - 300g vôi cục hoặc 400 - 500g vôi mới tôi hòa tan trong 10 lít nước sạch. Để lắng 15-20 phút rồi lọc lấy 6 - 7 lít nước vôi trong để ngâm cho 6 - 7 kg thóc giống trong thời gian từ 10 -12 giờ sau đó vớt thóc ra đãi sạch, tiếp tục ngâm ủ bình thường. Căn cứ vào lượng thóc giống cần gieo để tính toán lượng nước vôi trong cần pha cho phù hợp.
- Gieo mạ thưa: 1kg giống/1sào cấy (30kg/ha).
- Tuổi mạ cấy: 20 đến 25 ngày.
- Phân bón: Trước khi nhổ cấy 3-5 ngày, có thể bón tiễn chân giúp cây mạ ra rễ mới.
3.3. Cấy và chăm sóc:
3.3.1. Làm đất: Đất cấy phải được cày bừa kỹ, diệt hết mầm sâu bệnh và cỏ dại:
- Làm đất bằng máy, công suất từ 25 mã lực trở lên. Làm đất kỹ, cày đất với độ sâu 15 - 20 cm để vùi rơm rạ. Lồng dập, bừa đất, san phẳng ruộng kết hợp với sử dụng nấm Trichoderma.
- Đất có thành phần cơ giới nặng (thịt nhẹ, thịt trung bình, thịt pha sét): Để lắng bùn sau 01 ngày hoặc qua đêm rồi mới tiến hành gieo cấy; Đất nhẹ cần tiến hành gieo cấy ngay sau lồng đất đạt yêu cầu.
3.3.2. Phương thức gieo cấy:
- Cấy: 25 - 30 khóm/m2, 1rảnh/khóm, cấy theo băng, chiều rộng 1 băng từ 1,8 - 2m, khoảng cách giữa 2 băng 0,5 - 0,6m, tiện cho việc đi lại chăm sóc và khử lẫn.
- Áp dụng phương thức cấy hàng rộng, hàng hẹp với chân đất tốt, chủ động tưới tiêu; sản xuất lúa hữu cơ hoặc hướng hữu cơ ở các vùng có điều kiện sản xuất phù hợp.
3.3.3. Kỹ thuật sử dụng phân bón:
- Nguyên tắc sử dụng phân bón:
+ Bón cân đối, đủ trung vi lượng, phù hợp với đất.
+ Đất có thành phần cơ giới nặng bón tập trung, bón nặng đầu, nhẹ cuối. Đất có thành phần cơ giới nhẹ cần bón rải để tránh thất thoát phân bón, rửa trôi do dung tích hấp thu của đất thấp.
- Cách bón phân: 1 sào Bắc bộ (360m2) :
+ Phân chồng 350-400 Kg + 15kg vôi bột + 20 kg lân + 3-5kg đạm urê + 3kg kali;
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng + vôi + lân + 20% đạm;
+ Bón thúc đợt 1( sau cấy 10 ngày): 50% đạm;
+ Bón thúc đợt 2 ( sau thúc lần 1: 15 - 20 ngày): 30% đạm còn lại + 50% kali;
+ Bón thúc đợt 3 ( đón đòng): bón 30% kali còn lại.
Lưu ý: Làm cỏ trước mỗi đợt bón thúc làm cỏ sục bùn. Tuỳ điều kiện cụ thể mà có thể đảm bảo chế độ nước phổ biến như sau: duy trì mức nước < 5 cm vào thời kỳ sau cấy đến thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu, > 20cm vào thời kỳ cuối đẻ nhánh để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Sau thời kỳ chín sữa có thể rút nước, lúa tiếp tục vào chắc, thuận lợi cho khâu thu hoạch.
3.3.4. Khử lẫn giống:
- Nguyên tắc: Loại bỏ những cây khác giống và cỏ dại.
- Biểu hiện của cây lẫn, bông lẫn:
+ Có chiều cao cây cao hơn hoặc thấp hơn hẳn so với quần thể chung;
+ Có màu sắc lá, thân kác thường;
+ Có thời gian sinh trưởng sớm hơn hoặc muộn hơn quần thể;
+ Dạng bông khác thường;
+ Màu sắc hạt khác quần thể ruộng.
- Khử lẫn tập trung vào 4 đợt chính:
+ Đợt 1: Thời kì mạ: Loại bỏ những cây mạ khác dạng, bị sâu bệnh
+ Đợt 2: Khi lúa đứng cái: Loại bỏ những khóm có chiều cao cây cao hơn hoặc thấp hơn hẳn so với quần thể chung, có màu sắc lá, thân khác thường
+ Đợt 3: Trước và sau trỗ: Loại bỏ những khóm có thời gian trỗ sớm hơn hoặc muộn hơn quần thể, khóm có dạng bông khác thường…
+ Đợt 4: Trước khi thu hoạch: Loại bỏ những khóm có dạng bông khác thường, màu sắc hạt khác quần thể ruộng…
3.3.5. Chăm sóc:
3.3.5.1. Quản lý nước:
- Giai đoạn sau cấy, gieo sạ đến khi cây lúa có trên 2 lá, cần giữ đều nước trên mặt ruộng với độ ngập 5 - 7 cm, đặc biệt sau bón thúc cần giữ nước nông để lúa đẻ nhánh tập trung.
- Giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa, lá lúa đã che gần kín khoảng hàng trồng, cần tháo nước hoặc không bơm, lấy nước tưới, để khô mặt ruộng cho đến khi mặt ruộng cứng, nứt chân chim (khoảng 5 - 7 ngày, tùy tình hình thời tiết), lúa vào phân hóa bước 1, bước 2 thì bón đón đòng rồi lấy nước ngập mặt ruộng, giai đoạn này không tưới bổ sung và tiếp tục để ruộng khô cho rễ lúa ăn sâu. Trước trổ 5 - 7 ngày, khi lá đòng xuất hiện thì tiếp tục lấy nước và giữ nước đều trên mặt ruộng cho đến khi lúa chín đỏ đuôi.
Áp dụng kỹ thuật “Tưới ướt khô xen kẽ” ở vùng chủ động tưới tiêu và hệ thống thủy lợi đã hoàn thiện.
Lưu ý: Không áp dụng kỹ thuật “Tưới ướt khô xen kẽ” ở vùng đất nhiễm phèn mặn.
3.3.5.2. Quản lý cỏ dại, sâu bệnh hại và phòng trừ tổng hợp:
- a) Quản lý cỏ dại. Để hạn chế cỏ dại, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp như: Cày lật đất sớm sau thu hoạch, san phẳng ruộng, làm đất kỹ, không để ruộng khô sau cấy, khi lúa còn non. Sử dụng thuốc trừ cỏ hợp lý và theo đúng hướng dẫn, nên dùng trừ cỏ sinh học.
- b) Quản lý sâu bệnh hại: Bám sát và theo dõi chặt chẽ dự tính dự báo các loại sâu bệnh hại ở từng thời điểm do bảo vệ thực vật địa phương thông báo; Kết hợp theo dõi kiểm tra, nếu phát hiện các loại bệnh hại có nguy cơ lây lan (đạo ôn, khô vằn, bạc lá,...) trên ruộng thì cần phòng trừ sớm bằng thuốc đặc hiệu; Phun thuốc tuân thủ nguyên tắc 4 đúng theo chỉ đạo của cán bộ bảo vệ thực vật. Áp dụng IPM trong phòng trừ sâu bệnh:
- Làm đất kỹ, ngâm ủ giống đúng;
- Dùng bẫy, bắt thủ công;
- Dùng thuốc học có nguồn gốc sinh học;
- Các sâu bệnh hại chính và biện pháp hóa học phòng trừ:
+ Sâu đục thân: Padan 95SP, Regent 800WP sau khi bướm độ 5-7 ngày.
+ Sâu quấn lá: Dùng các loại thuốc Padan 95SP, Regent 800WP, Sumithion 50EC, Karate 2.5EC... phun khi sâu còn tuổi 1-2, sâu đã lớn cần phá bao lá trước khi phun mới có hiệu quả.
+ Rầu nâu: Dùng các loại thuốc Bassa 50EC, Regent 800WP, Trebon 20ND, Mipcin 20WP, rạch hàng lúa để phun. Nếu dùng Actara 25WG thì không cần rạch hàng nhưng vẫn phải phun tập trung vào gốc lúa.
+ Bệnh đạo ôn: Phun thuốc New Hinosan 30EC, Kitazin 50EC, Kasai 21,2% trừ đạo ôn lá, thuốc Fujione 40EC, Beam 75WP trừ đạo ôn lá, cổ bông.
+ Bệnh khô vằn: Sử dụng các lọai thuốc trừ bệnh như Validacin 3SL, 5L, 5SP; Vacocin 3SL; Anlicin 5WP.
3.4. Thu hoạch, phơi sấy và bảo quản
3.4.1. Thu hoạch: Thu đúng thời điểm, khi lúa chín 85-90% số hạt (hạt ngả màu và tinh bột trong hạt đã rắn chắc). Thu hoạch bằng máy, khuyến cáo cắt ngang thân lúa, điểm cắt 40 cm từ gốc rạ.
- Thu hoạch thủ công: Liềm các loại là công cụ chủ yếu và được sử dụng phổ biến tại các hộ gia đình, trang trại nhỏ.
- Thu hoạch cơ giới: Sử dụng các máy gặt cải tiến loại vừa và nhỏ để thu hoạch lúa.
- Đập, tuốt lúa: tuốt lúa bằng máy đạp chân, bằng máy tuốt điện, máy vò…
Trước đây Nếp “Gà Gáy” không được gặt bằng liềm hay máy mà được người dân Mỹ Lung thu hoạch từng bông bằng tay
3.4.2. Phơi sấy:
3.4.2. Phơi sấy:
Yêu cầu phơi khô để hạt có hàm lượng nước đạt < 14%, cũng như không cho mầm bệnh phát triển và hoạt động. Có thể sử dụng 2 phương pháp phơi sấy chủ yếu sau:
- Phơi dưới nắng trực xạ: Sau khi ra hạt, lúa được tản ra phơi với độ dày 7 - 10 cm, sau đó dùng cào răng đảo đều trên bề mặt sân phơi 30 - 40 phút một lần theo các hướng khác nhau. Ngày thứ hai, lúa được phơi thành luống, mỗi luống cao khoảng 10 - 15 cm, rộng khoảng 40 - 50 cm và cứ một tiếng thì cào đảo một lần chuyển chân luống. Phơi dày để lúa khô từ từ, tránh phơi mỏng trên sân xi măng, lúa khô nhanh nhưng tỷ lệ gãy cao. Phơi đến khi ẩm độ hạt đạt 13-14% là đạt yêu cầu bảo quản.
- Phương pháp sấy: Sấy lúa tươi ngay sau thu hoạch theo quy trình sấy hạt thương phẩm đã được phổ biến áp dụng ở những nơi sản xuất lúa tập trung, có khối lượng thóc lớn, nhu cầu phơi sấy cao; Hạt lúa có thể làm khô băng hệ thống sấy có thổi không khí nóng với nhiệt độ 40 - 450c, thời gian sấy tùy thuộc vào ẩm độ hạt khi thu hoạch, nhiệt lượng cung cấp, cũng như khối lượng hạt cần xử lý.
Lúa được bó thành từng "cúm" và gánh về phơi
4.3. Cất trữ bảo quản:
4.3. Cất trữ bảo quản:
Sau khi lúa đã phơi khô, quạt sạch trấu, hạt lép, sử dụng bao Nilon dày, chuyên dụng và bảo quản chân không. Dồn hạt vào bao chiếm 75-80% thể tích, dùng máy hút hút hết không khí rồi hàn kín, xếp thành khối có kệ kê, để nơi khô ráo. Trong trường hợp sản xuất qui mô lớn thì nên xây kho đảm bảo kỹ thuật để lưu trữ bảo quản thóc. Độ ẩm thóc <14% thì có thể bảo quản được 1 năm hoặc dài hơn. Nếu bị dịch hại và ẩm mốc cần phải xử lí ngay.
Hợp tác xã sản xuất gạo nếp “Gà Gáy” Mỹ Lung, xã Mỹ Lung đưa sản phẩm gạo nếp “Gà Gáy” Mỹ Lung trở thành thương hiệu hàng hóa đạt chất lượng OCOP cấp Quốc gia, tiêu chuẩn 4 sao
Hợp tác xã sản xuất gạo nếp “Gà Gáy” Mỹ Lung, xã Mỹ Lung đưa sản phẩm gạo nếp “Gà Gáy” Mỹ Lung trở thành thương hiệu hàng hóa đạt chất lượng OCOP cấp Quốc gia, tiêu chuẩn 4 sao
Chia sẻ bài viết: