Nếp Gà Gáy - đặc sản miền Đất Tổ


Xôi nếp Gà Gáy

Tương truyền rằng, xưa có một cô gái đến tuổi lấy chồng, trước khi đi làm dâu ngoài những vật dụng như chăn bông, gối, vòng bạc… làm quà cho nhà chồng thì người mẹ đưa cho cô chiếc túi, trong đó có những hạt thóc vàng mẩy, loại hạt mà bấy lâu nay cô chưa thấy bao giờ. Đến nhà chồng, cô cẩn thận cất túi hạt vào góc nhà. Hai ngày sau, mẹ chồng dặn cô nhớ dậy sớm giã gạo nấu xôi để cúng Thần Nông làm lễ xuống đồng. Thế rồi mải say mê với duyên mới, đôi vợ chồng trẻ đã ngủ quên, chỉ đến khi tiếng gà gáy cất sáng, cô mới giật mình tỉnh giấc, luống cuống tìm thóc giã gạo thổi xôi. Khi ăn, nàng dâu thảo hiền bất ngờ vui sướng khi nghe thấy mẹ chồng khen xôi ngon, dẻo... Lúc này, cô chợt nhận ra trong lúc luống cuống đã lấy nhầm túi thóc mà mẹ đã đưa cho khi đi lấy chồng, chỉ còn ít những hạt vương vãi. Sau đó, cô mang những hạt còn lại đem gieo, nhân giống.

Câu chuyện lan truyền nhanh ra khắp xóm làng. Chính vì thế mà loại gạo nếp đó được dân làng đặt tên là nếp Gà Gáy, vừa dân dã, vừa thi vị. Giống lúa nếp này rất quý hiếm, là đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Lập có từ rất lâu đời. Đây là giống lúa dài ngày, được trồng trên những ruộng bậc thang, hạt dài, mẩy, có hương thơm ngào ngạt, khi nấu xôi dẻo và vị ngon đặc trưng.


Thời vụ trồng lúa nếp Gà Gáy từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.

Nếp Gà Gáy hiện được nhân giống và gieo trồng nhưng dường như chỉ có ở vùng xứ Mường Mỹ Lung – Yên Lập mới cho ra được những hạt gạo dẻo thơm. Được biết, về thời vụ, lúa nếp Gà Gáy có thời gian sinh trưởng khác với những giống lúa hiện nay. Thời vụ của lúa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Cây lúa có thân cao, từng bông lúa thẳng đứng. Khi thu hoạch thì phải dùng dụng cụ chuyên dụng của người Mường đó chính là cái “túm”. Sau khi thu hoạch, bà con đem về phơi cả cây, ăn tới đâu mới xát đến đấy.

Về chế biến, cách nấu xôi nếp Gà Gáy rất đơn giản, không cần quá cầu kì. Chỉ cần đãi gạo sạch, sau đó cho vào chõ xôi và đồ lên trong thời gian khoảng 2 tiếng. Xôi có vị thơm ngào ngạt, dẻo bùi và không dính tay. Xôi dẻo thơm chấm kèm muối lạc, vừng bà con dân bản tự trồng tạo nên một món ăn gần gũi, mộc mạc mà khó quên. Xôi càng nắm càng dẻo, đặc biệt người Mường thường gói xôi vào lá dong hoặc lá chuối để thưởng thức. Dù có để trong tủ lạnh thì hôm sau xôi vẫn dẻo thơm mà không cần xôi lại. Trong những ngày lễ lớn, dịp quan trọng hay khi nhà có công việc, bà con thường nấu rượu, xôi nếp Gà Gáy để đãi khách quý.

 

Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, Yên Lập.

Ông Đinh Tiến Duật - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: "Trước đây, chỉ những gia đình khá giả và vào dịp lễ cơm mới của người Mường hoặc các dịp Tết đặc biệt thì mới được ăn loại gạo này. Những năm gần đây, với ý thức giữ gìn nguồn gen của giống lúa quý và thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy được thị trường ưa chuộng, tìm mua, ngày càng có nhiều hộ dân tại 10/11 khu dân cư trên địa bàn xã tham gia trồng giống lúa này. Hiện tỉ lệ số hộ trồng lúa nếp Gà Gáy chiếm trên 70% tổng số hộ làm nông nghiệp toàn xã, tuy nhiên sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Là đặc sản miền Đất Tổ - Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, với mức giá bán như hiện nay 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại lúa khác".

Giống lúa nếp Gà Gáy được người dân Yên Lập coi là hạt ngọc trời, một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Chắc chắn nếu có dịp thưởng thức món “Xôi nếp Gà gáy” dù chỉ một lần, ai ai cũng không thể quên được cái tên, cũng như vị ngon đặc biệt thắm tình người dân bản địa xứ Mường!

 Chia sẻ bài viết: